Vũ điệu vàng đen (K3): Biến đổi cục diện
Sự lao dốc của giá dầu đã tác động mạnh đến các công ty dầu mỏ khổng lồ và tất cả doanh nghiệp phụ trợ, như nhà cung cấp thiết bị, vận hành máy khoan, giàn khoan, công ty vận chuyển, cung cấp thực phẩm… Nó cũng đe dọa sự thay đổi sâu sắc trong vận mệnh địa chính trị các nước sản xuất năng lượng.
Trung Đông và Bắc Phi
Nhiều quốc gia có nguồn thu ngân sách lớn từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên đã bị tác động nặng nề khi giá dầu giảm. Chẳng hạn, Nigeria phụ thuộc 75% thu ngân sách từ dầu mỏ, Nga 50%, Venezuela 40%. Với giá dầu hiện nay chỉ bằng 1/3 so với 18 tháng trước, thu ngân sách ở cả 3 nước này đều lao dốc.
Trước đây, các nhà lãnh đạo những nước xuất khẩu dầu mỏ, nhờ ngân sách rủng rỉnh tiền bạc từ dầu mỏ giá cao, đã rộng tay chi cho các dự án, công trình được lòng dân chúng. Nay, ngân sách bị thu hẹp do nguồn thu từ dầu mỏ co lại, họ phải bắt đầu các chương trình tiết kiệm ngân sách, đồng nghĩa với những chính sách khắc khổ hơn, khiến sự ủng hộ trong nước giảm đi.
Tại Nigeria, chi tiêu chính phủ giảm cộng với tham nhũng tràn lan làm mất uy tín của chính phủ Tổng thống Goodluck Jonathan và tạo điều kiện cho cuộc nổi dậy của Boko Haram, khiến cử tri Nigeria quay lưng với ông và thay thế bằng nhà độc tài quân sự Muhammadu Buhari. Sau khi nhậm chức, Buhari cam kết trấn áp tham nhũng và đa dạng hóa nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ.
Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, cũng bị những tác động lớn khi giá dầu giảm sâu. Tuy nhiên, đây là nước xuất khẩu dầu mỏ vẫn giữ được sự ổn định. Khi giá dầu lên cao, Saudi đã tích trữ được một kho dự trữ ngoại tệ lớn, ước tính khoảng 700 tỷ USD. Khi giá dầu giảm, chính phủ đã mở kho dự trữ để duy trì những chương trình chi tiêu xã hội, phần nào ngăn chặn được tình trạng bất ổn. Dù vậy, khi dự trữ ngoại hối giảm khoảng 90 tỷ USD kể từ năm ngoái, chính phủ nước này đã phải thực hiện cắt giảm chi tiêu công. Vấn đề là Saudi Arabia cần phải xem xét lại các chi tiêu xa hoa hiện nay của chính phủ, điều đang gây sự bất mãn trong dân chúng.
Các nước khác trong khu vực như Iraq và Iran cũng đã chịu nhiều tác động từ giá dầu thấp. Trong năm 2016, để cân bằng ngân sách, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính Saudi sẽ cần giá dầu ở mức 98,3USD/thùng; Bahrain sẽ cần 89,8USD/thùng; Oman 96,8USD/thùng. Tất cả đều cao hơn đáng kể so với điểm hòa vốn của Kuwait, Qatar và Ả rập Thống nhất (UAE). Tất cả quốc gia vùng Vịnh sẽ cắt giảm chi tiêu chính phủ trong năm 2016 và đẩy mạnh cải cách pháp lý. Để giảm bớt gánh nặng, Saudi Arabia và UAE đang giảm trợ cấp nhiên liệu nhưng vẫn duy trì chi tiêu cho giáo dục và các dịch vụ xã hội. Bahrain đã giảm các khoản trợ cấp thực phẩm nhưng đang xem xét phân phát tiền mặt để cân bằng việc cắt giảm. UAE, Saudi Arabia, Oman, Qatar và Kuwait đều thảo luận về việc tăng thuế để tăng nguồn thu ngân sách, một biện pháp chưa từng có trong khu vực.
Một nhà máy lọc dầu.
Nga, Venezuela
Venezuela đã trải qua cú sốc tương tự vì giá dầu giảm. Khi giá lên cao, Tổng thống Hugo Chávez đã dùng tiền thu được từ công ty dầu khí nhà nước Petroleos de Venezuela SA để xây dựng nhà ở và cung cấp các lợi ích khác cho tầng lớp lao động nghèo của đất nước, đã mang lại sự ủng hộ rộng rãi cho Đảng Xã hội chủ nghĩa của ông. Ông cũng tạo uy tín trong khu vực bằng cách cung cấp các khoản trợ cấp dầu cho các nước đồng minh như Cuba, Nicaragua và Bolivia. Sau khi ông qua đời vào tháng 3-2013, người kế nhiệm là Nicolas Maduro đã tìm cách duy trì chiến lược này. Tuy nhiên, giá dầu đã cản trở kế hoạch. Kết quả sự ủng hộ của dân chúng dành cho Maduro và đảng của Chávez bắt đầu sụp đổ. Ngày 6-12-2015, phe đối lập trung hữu đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, chiếm được đa số ghế trong quốc hội. Phe này hiện đang tìm cách xóa bỏ "Cách mạng Bolivia" của Chávez, dù những người ủng hộ Maduro đã cam kết sẽ chống lại việc này.
Tình hình ở Nga phức tạp hơn. Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục được ủng hộ rộng rãi. Tuy nhiên, giá dầu sụt giảm kết hợp với các biện pháp trừng phạt kinh tế của EU và Hoa Kỳ đã mang lại sự bất bình nơi dân chúng, trong đó có cuộc biểu tình gần đây của cánh tài xế xe tải đường dài do nhà nước tăng phí đường cao tốc. Nền kinh tế của Nga dự kiến sẽ thu hẹp một cách đáng kể trong năm 2016, hủy hoại mức sống của người dân bình thường và có thể châm ngòi thêm các cuộc biểu tình chống chính phủ. Trong thực tế, một số nhà phân tích tin rằng Putin đã chấp nhận rủi ro khi can thiệp vào cuộc xung đột ở Syria một phần vì để đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng do những biểu hiện xấu đi của kinh tế ở nước nhà. Nếu vậy, đây là trò chơi rất nguy hiểm đối với ông Putin.
Các nước khác
Các nước sản xuất dầu mỏ lớn khác cũng phải đối mặt với viễn cảnh bất ổn chính trị, bao gồm cả Algeria và Angola. Các nhà lãnh đạo của cả 2 quốc gia đã đạt được ổn định chính trị trong nước nhờ sự chi tiêu hào phóng thường thấy ở các nước sản xuất dầu mỏ. Tuy nhiên, điều đó nay đã đến hồi kết thúc, có nghĩa cả 2 nước có thể phải đối mặt với những thách thức nội bộ. Có thể giá dầu sẽ tăng trở lại. Nhưng thế giới đang hướng đến một cuộc cách mạng năng lượng xanh, nên không ai dám chắc dầu sẽ quay lại được mức giá 100USD/thùng như trước đây. Vì thế, cho dù điều gì sẽ xảy ra với dầu mỏ và các quốc gia sản xuất ra nó, trật tự chính trị toàn cầu từng được đặt trên giá dầu tăng vọt đang thay đổi. Trong khi điều này có thể là khó khăn cho một số người, đặc biệt với công dân của các quốc gia phụ thuộc xuất khẩu như Nga và Venezuela, nó có thể giúp khuyến khích một sự chuyển đổi êm dịu sang một thế giới hoạt động trên các nguồn năng lượng tái tạo.
Trong khi đó, Trung Quốc lại là nền kinh tế hưởng lợi nhiều nhất từ sự lao dốc của giá dầu. Kenneth Courtis, cựu Phó Chủ tịch phụ trách khu vực châu Á của Ngân hàng Goldman Sachs, ước tính giá dầu sụt giảm đang giúp Trung Quốc tiết kiệm mỗi năm khoảng 320 tỷ USD.