Saudi Arabia với kế hoạch thoát khỏi ảnh hưởng của dầu mỏ (Phần II)
Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, đã đưa ra kế hoạch tái cấu trúc sâu rộng nền kinh tế vào năm 2030, với mục tiêu thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ vào cuối thập kỷ tới.
Saudi Arabia với kế hoạch thoát khỏi ảnh hưởng của dầu mỏ. Ảnh: wsj
Kế hoạch đại phẫu đầy tham vọng
Phó Thái tử Muhammad bin Salman, đồng thời là Bộ trưởng Quốc phòng kiêm người đứng đầu Hội đồng Kinh tế, thừa nhận với báo giới rằng "sự phụ thuộc quá mức vào dầu mỏ đang kìm hãm sự phát triển của Saudi Arabia", đồng thời bày tỏ tin tưởng Vương quốc Trung Đông này có thể tồn tại mà không cần dầu mỏ vào năm 2020.
Thông qua các cải cách kinh tế sâu rộng, Saudi Arabia hy vọng tăng thu ngân sách thêm 100 tỷ USD mỗi năm từ nay tới năm 2020; giảm tỷ trọng đóng góp vào ngân sách của dầu mỏ từ khoảng 80% hiện nay xuống còn 16% vào năm 2030, đồng thời tái cấu trúc các chính sách trợ cấp để tiết kiệm khoảng 30 tỷ USD/năm.
Nước này cũng sẽ xem xét chương trình cấp "thẻ xanh" cho người nước ngoài, giống như Mỹ, để thu hút giới doanh nhân đến làm ăn cũng như cho phép lao động nước ngoài đến làm việc, với mục tiêu mang lại nguồn thu khoảng 10 tỷ USD/năm.
Theo Tầm nhìn Kinh tế 2030", Saudi Arabia sẽ đưa tỷ lệ thất nghiệp từ 11,6% xuống 7%. Lĩnh vực bán lẻ được coi là một trong những động lực thúc đẩy việc làm. Du lịch tôn giáo cũng là một nguồn doanh thu quan trọng đối với Saudi Arabia, do đó kế hoạch cải tổ kinh tế sẽ thu hút 30 triệu khách hành hương vào năm 2030, từ 8 triệu USD hiện nay.
Theo kế hoạch nói trên, Saudi Arabia sẽ vẫn chưa đánh thuế thu nhập hay thuế lên các mặt hàng thiết yếu. Đặc biệt, "Tầm nhìn Kinh tế 2030" của Saudi Arabia đề ra mục tiêu thành lập Quỹ Đầu tư công (PIF) trị giá ít nhất 2.000 tỷ USD vào năm 2030 thông qua việc phát hành 5% cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty dầu mỏ quốc doanh lớn nhất thế giới Saudi Aramco. Aramco hiện có trị giá hàng nghìn tỷ USD và chiếm gần 12% tổng sản lượng khai thác dầu của thế giới.
Với quy mô gấp đôi quỹ quốc gia của Na Uy, PIF sẽ giúp thúc đẩy phát triển các dự án ở trong và ngoài nước thuộc nhiều lĩnh vực, nhằm đa dạng hóa các nguồn thu cho chính phủ, thay vì dầu mỏ như hiện nay. Saudi Arabia cũng chú trọng phát triển các ngành công nghiệp phi dầu mỏ như năng lượng sách, điện, vũ khí quân sự, khai khoáng...
Khả thi hay ảo tưởng?
Với "Tầm nhìn Kinh tế 2030", Saudi Arabia có tham vọng tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế lên khoảng 1.600 tỷ USD vào năm 2030, trở thành nền kinh tế lớn thứ 15 thế giới, từ vị trí 19 hiện nay.
Với "Tầm nhìn Kinh tế 2030", Saudi Arabia có tham vọng tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế vào năm 2030. Ảnh: trend.az
Tuy nhiên, bản kế hoạch cải tổ kinh tế với vỏn vẹn 40 trang của Phó Thái tử Mohammed bin Salman chỉ đưa ra các các con số và mục tiêu hấp dẫn, mà không đề ra các giải pháp chi tiết, đó là chưa tính đến năng lực tổ chức thực hiện ở một xã hội vốn trì trệ do lệ thuộc quá lâu vào dầu mỏ. Do vậy, việc triển khai "Tầm nhìn Kinh tế 2030" sẽ không được như kỳ vọng.
Trước hết, liên quan đến vấn đề thành lập PIF, việc cổ phần hóa Aramco sẽ mất nhiều thời gian chứ không thể "một sớm một chiều", vì quy mô huy động vốn quá lớn, giữa lúc giá dầu thấp sẽ khiến các nhà đầu tư trong và ngoài nước không "mặn mà" với việc rót vốn vào công ty này. Đó là chưa kể đến những rủi ro từ tình hình địa chính trị tại Trung Đông.
Các nhà đầu tư còn lo ngại trước những nguy cơ tiềm ẩn xuất phát từ mối quan hệ căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran, đặc biệt sau khi Riyadh phát động "chiến tranh ủy nhiệm" tại nước láng giềng Yemen.
Kế hoạch đại tu kinh tế cũng không nêu ra các biện pháp nhằm tăng thu ngân sách ngoài dầu mỏ từ 43,5 tỷ USD lên 267 tỷ USD vào năm 2030, trong khi hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của Saudi Arabia đều yếu và có sức cạnh tranh thấp.
Tỷ trọng đóng góp trong GDP của các SME nếu tăng theo kế hoạch cũng chỉ là 35% GDP, trong khi tỷ lệ này ở các nền kinh tế tiên tiến là hơn 70%.
Saudi Arabia cũng chưa có cách nào để có thể giải bài toán tạo 1,3 triệu việc làm cho lao động trong nước vào năm 2020, vì năm 2015 con số này chỉ đạt chưa đến 50.000 việc làm.
Hơn nữa, chương trình cải tổ kinh tế cần phải đi kèm với những điều chỉnh chính sách, sửa đổi luật liên quan đến nhiều lĩnh vực, Điều đáng lưu ý nữa là, chương trình thu hút lao động nước ngoài cùng với các điều chỉnh chính sách trợ cấp có nguy cơ gây bất ổn xã hội.
Tất cả những mục tiêu trên đều nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và giảm bớt sự phụ thuộc của nguồn thu ngân sách vào dầu thô, trong bối cảnh giá dầu sụt giảm triền miên, là bước đi đúng hướng và cần thiết, song nếu không có năng lực thực hiện cũng như cách thức và lộ trình hợp lý thì "Tầm nhìn Kinh tế 2030" sẽ chỉ là ảo tưởng!